Cái chết, sự sinh ra của những vì sao hay một khúc trữ tình

Tôi luôn là một kẻ nghĩ nhiều, về con người, về sự sống, về những ước mơ, hy vọng, tương lai, về ý nghĩa của sự tồn tại. Đầu óc tôi luôn bị chấn chìm bởi những luồng suy nghĩ đa chiều, cố gắng hình dung và lắp ghép chúng thành một khái niệm, niềm tin, một hệ thống giá trị của riêng mình.

Dù sao thì tôi vẫn luôn là một kẻ suy nghĩ ngoài tầm kiểm soát.

Nhưng dạo gần đây, tôi đặc biệt nghĩ nhiều về chúng hơn bao giờ hết.

Tôi nghĩ vấn đề này bắt đầu khi tôi xem serie Cosmos – một serie về cách mà thế giới này, vũ trụ này hoạt động. Có một câu chuyện tôi đặc biệt ấn tượng là về những vì sao, và sau khi xem xong, lần đầu tiên tôi hiểu được tại sao tôi lại ở đây. Để kể lại cả câu chuyện thì rất dài, những tóm tắt lại là:

“The nitrogen in our DNA, the calcium in our teeth, the iron in our blood, the carbon in our apple pies were made in the interiors of collapsing stars. We are made of starstuff.”
― Carl Sagan, Cosmos

Chúng ta được tạo nên từ những vì sao. Nếu không phải là được nghe từ câu chuyện trên, hẳn là tôi sẽ chỉ cười mà cho rằng lại là một câu thoại lãng mạn trữ tình được trích ra từ một đoạn văn thơ nào đó rồi quên mất.

Nhưng tôi đã xem chúng, và đó là cảm giác tuyệt vời nhất mà tôi từng trải qua. Không phải là tôi không biết, không hiểu, nhưng lại là lần đầu tiên tôi thật sự giác ngộ được. Tôi cảm nhận được vòng tuần hoàn của những vì sao ngoài vũ trụ xa xôi được sinh ra từ những hạt bụi, rồi chúng trải qua hàng trăm tỉ năm để trở về những gì nguyên sơ nhất. Tôi nhìn thấy được cũng từ những hạt bụi ấy, trải qua không biết bao lâu để tái hợp rồi lại chia tách để trở thành sự sống, là cây cối, là động vật, là con người, là chính tôi.

“Một là tất cả. Tất cả là một.”
― Eric Edward, FullMetal Alchemist

Lần đầu tiên, tôi không còn cảm thấy sợ hãi cái chết nữa.

Cũng là lần đầu tiên, tôi nhận ra mình đã quên đi chính mình ra sao.

Có bao giờ bạn cảm giác được mình bị mắc kẹt giữa những tòa nhà cao chọc trời, bị nhốt bởi những bức tường bê tông cốt thép trong chính căn phòng mình, tâm trí bị đánh lạc hướng bởi những thứ vật dụng xa xỉ và sự sáng tạo bị tắc nghẽn bởi những tiêu chuẩn xã hội?

“We’ve codified our existence to bring it down to human size, to make it comprehensible, we’ve created a scale so we can forget its unfathomable scale.” ― Lucy, Lucy

Bạn có nhận ra – cũng giống như có một chiếc máy tính siêu ngon siêu khỏe với một đống chương trình tuyệt đỉnh thế nhưng lại chẳng có Internet để giao tiếp hoặc triển lãm với những người khác – chúng ta cũng bị đứt kết nối với vũ trụ, tài năng bản thân bị vùi dập và dần biến mất theo thời gian?

Lại nói, trong tất cả những bộ phim tôi từng xem, tất nhiên là không kể đến phim tài liệu, bộ phim duy nhất tôi cảm thấy truyền tải được gần nhất về thế giới này ở mức vĩ mô là “Lucy”. Tôi không thể hiểu được tại sao phim này lại có điểm Idbm thấp và nhiều lời chê đến vậy. Tất nhiên là phim cũng có sạn, chẳng phim nào lại không có sạn hết, phim cũng có những giả thuyết phi thực tế, làm ơn đi, đây là phim khoa học viễn tưởng, bạn còn có thể đòi hỏi gì hơn? Nhưng tôi tin rằng, cái quan trọng nhất của phim là thông điệp đằng sau nó. Và ý nghĩa của “Lucy” đã được truyền tải đến người xem, hoặc có lẽ ít nhất là đến tôi.

Tôi thích xuất thân ban đầu của Lucy, một cô gái vô cùng bình thường, không xinh đẹp, không xuất sắc, gia cảnh bình thường, gặp phải những vướng mắc mà đa phần chúng ta đều bị vướng phải như nên đi học, đi party hay ở nhà ngủ. Sau khi bị sốc thuốc và sử dụng được nhiều hơn bộ não của mình, đầu tiên cô học được cách kiểm soát chính cơ thể mình, kiểm soát những sinh vật xung quanh mình. Rồi khi sự kiểm soát lên đến cao nhất, cô hiểu rằng thế giới không phải là để kiểm soát mà là để hòa nhập. Kết thúc, cô tan biến vào dòng chảy của vũ trụ.

“I am everywhere.” ― Lucy

Tôi chắc chắn “Lucy” không phải là phim để giải trí hay chỉ cần xem một lần là hiểu. Tôi biết không phải ai cũng cảm nhận được điều này, nhưng tôi cũng tin rằng, đây chỉ là vấn đề về thời điểm. Cũng giống như nếu tôi chưa từng biết hay nghĩ đến giả thuyết về starstuff, tôi cũng sẽ chỉ cảm thấy đây lại là một bộ phim đề cao về thiên nhiên vũ trụ hay gì đó tương tự như vậy, những thứ như vậy thường hại não, và chúng ta đã có quá nhiều vấn đề phải giải quyết rồi.

Có một điều rất buồn cười về trí óc con người, đó là nếu chúng ta bị nghe quá nhiều về một chuyện nào đó, chúng ta có xu hướng từ chối chúng, bất kể điều đó là tốt hay xấu.

Thế đấy.

Leave a comment